Thông tin về đề tài nghiên cứu khoa học cho người học: “Hoạt động thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ở Thừa Thiên Huế”
Ngày cập nhật: 30-12-2021Tên đề tài: “Hoạt động thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ở Thừa Thiên Huế”
Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Thị Lan Anh
Tóm lược nội dung
1. Thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử hình sự là một trong những hoạt động chính, có ý nghĩa quyết định đến sự ra đời và tồn tại của cơ quan Viện Kiểm sát ở tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Hoạt động này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, quyết định đến quyền lợi chính trị, kinh tế và nhiều khi là sinh mệnh của con người. Hiệu quả của hoạt động này còn ảnh hưởng đến trật tự, an toàn của cả xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương cũng như cả đất nước.
2. Hoạt động THQCT của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử hình sự chính là: Thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm theo yêu cầu cải cách tư pháp là hoạt động đưa người phạm tội ra Tòa án sơ thẩm để xét xử và buộc tội người phạm tội tại phiên tòa của Kiểm sát viên theo đúng các quy định pháp luật, thể hiện sự thuần thục về kỹ năng nghiệp vụ, hạn chế thấp nhất tình trạng Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tránh làm oan người vô tội, nhằm làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm hiệu quả và chất lượng. Đây là một khái niệm mang tính lịch sử, cụ thể, tổng hợp nhưng có thể đo, đếm, so sánh được bằng những chỉ số, chỉ tiêu nhất định. Các tiêu chí để đánh giá chất lượng hoạt động THQCT của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử hình sự bao gồm sự tuân thủ các quy định của pháp luật, sự tuân thủ các hướng dẫn, chỉ đạo của Ngành; số lượng án Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung; số bị cáo Tòa án tuyên không phạm tội và sự thuần thục kỹ năng nghiệp vụ. Các tiêu chí này thường được biểu hiện thông qua các chỉ tiêu, chỉ số nhất định.
3. Hoạt động THQCT của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử hình sự phụ thuộc vào hàng loạt các yếu tố như: sự hoàn thiện của hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động THQCT của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử hình sự, năng lực, trình độ nghiệp vụ, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm của Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ này, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo và của Viện Kiểm sát cấp trên, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ đối với Kiểm sát viên...
4. Hoạt động thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử hình sự của Kiểm sát viên VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, nhất là từ khi có Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, đã được chú trọng và được nâng lên một bước đáng kể. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng hoạt động THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động THQCT của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử hình sự nói riêng vẫn còn hạn chế, thiếu sót. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng hoạt động THQCT tại phiên tòa xét xử hình sự của VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và của Kiểm sát viên VKSND nói riêng là một yêu cầu bức thiết.
5. Để nâng cao chất lượng hoạt động THQCT của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử hình sự, cần áp dụng toàn diện, đồng bộ nhiều giải pháp, từ việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động THQCT của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử hình sự, nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm của Kiểm sát viên, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo và của Viện Kiểm sát cấp trên đến tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ Kiểm sát viên nói chung và Kiểm sát viên làm nhiệm vụ THQCT tại phiên tòa xét xử hình sự nói riêng. Đây là công việc vừa mang tính khẩn trương, vừa phải thực hiện lâu dài, thuộc trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành khác nhau. Có như vậy mới có thể nhanh chóng nâng cao chất lượng THQCT của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử hình sự, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.