THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS TRẦN VĂN HẢI "CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM ĐỐI VỚI CÁC TỘI XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ"
Ngày cập nhật: 22-11-2021TÊN ĐỀ TÀI: CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM ĐỐI VỚI CÁC TỘI XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Ngành : Luật hình sự và tố tụng hình sự
Mã số : 9380104
Năm bảo vệ: 2021
Cơ sở đào tạo: Học viện Khoa học xã hội, Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn Lâm
Tóm tắt nội dung:
Nhận thấy rằng, pháp luật hình sự Việt Nam đóng vai trò to lớn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trước những hành vi xâm hại, do đó, Nhà nước đã có những thay đổi và hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm này, thông qua việc hoàn thiện hệ thống hình thức thể hiện cũng như nâng cao hiệu quả của hoạt động thực hiện chính sách pháp luật hình sự đối với nhóm tội này. Tuy nhiên, chính sách pháp luật hình sự đối với các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn những hạn chế và thiếu sót, chính vì vậy, cần phải có những nghiên cứu về lý luận cũng như đánh giá thực trạng của chính sách pháp luật hình sự đối với các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để đưa ra các giải pháp hoàn thiện kịp thời, hiệu quả nhằm đấu tranh phòng, chống nhóm tội phạm này, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tiêu dùng trước nạn hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư, ổn định và phát triển nền kinh tế. Chính vì vậy, việc chọ đề tài “Chính sách pháp luật hình sự Việt Nam đối với các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” làm luận án là rất cần thiết.
Luận án là công trình khoa học có giá trị tham khảo cho việc nghiên cứu về chính sách pháp luật hình sự Việt Nam đối với các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Luận án cung cấp cơ sở lý luận chung về chính sách pháp luật hình sự đối với các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua hệ thống các khái niệm và đặc điểm đặc trưng của chính sách pháp luật hình sự đối với các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, luận án xác định được các mục tiêu, đối tượng, nội dung và các yếu tố tác động của chính sách pháp luật hình sự đối với nhóm tội phạm này. Về thực tiễn, luận án đã đánh giá được thực trạng thể hiện của chính sách về tội phạm và hình phạt đối với các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đánh giá được thực trạng thực hiện chính sách pháp luật hình sự để phát hiện, xử lý và áp dụng hình phạt đối với nhóm tội phạm này. Trên cơ sở đó, luận án đưa ra sự đánh giá về mục tiêu đã đạt được và chưa đạt được của chính sách pháp luật hình sự đối với các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cuối cùng, trên cơ sở hệ thống lý luận và kết quả nghiên cứu thực tiễn, đặc biệt thông qua việc xác định được những rào cản, hạn chế và khó khăn, luận án đã đề xuất, gợi mở những giải pháp thiết thực, phù hợp nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự đối với các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, góp phần đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả, qua đó bảo vệ chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tiêu dùng; thúc đẩy nền kinh tế tri thức phát triển ổn định, bền vững.